Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/1144
Title: THỰC TRẠNG TRẦM CẢM VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN Ở NGƯỜI NHIỄM HIV/AIDS ĐIỀU TRỊ NGOẠI TRÚ TẠI BỆNH VIỆN BẠCH MAI NĂM 2019
Authors: NGUYỄN, THU TRANG
Advisor: PGS.TS. Đỗ, Duy Cường
PGS.TS. Đào, Thị Minh An
Issue Date: 2020
Publisher: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Abstract: Trong vòng hai thập kỷ vừa qua, điều trị ARV đã góp phần giảm thiểu đáng kể gánh nặng bệnh tật và tử vong do HIV/AIDS, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV/AIDS trên toàn thế giới. Mặc dù vậy, nhiều nghiên cứu trên thế giới vẫn báo cáo tỉ lệ tử vong và tàn tật ở người nhiễm HIV/AIDS cao gấp nhiều lần so với quần thể dân số nói chung từ 3 – 15 lần [1], [2]. Trong đó, các nguyên nhân không phải AIDS chiếm khoảng 30% - 40% và đang có xu hướng gia tăng qua từng năm [3], [4]. Với việc kéo dài thời gian sống ở người bệnh, các bệnh mạn tính kèm theo đang dần trở thành các yếu tố hàng đầu làm gia tăng gánh nặng bệnh tật trên người nhiễm HIV/AIDS. Các rối loạn tâm thần mà thường gặp nhất là trầm cảm rất phổ biến trên người nhiễm HIV/AIDS tại nhiều quốc gia [5]. Ước tính tỉ lệ trầm cảm ở đối tượng này cao gấp đôi so với quần thể dân số nói chung [6] và đóng góp đáng kể vào gánh nặng bệnh tật toàn cầu và đồng thời là nguyên nhân hàng đâu gây ra tàn tật được đo lường bằng số năm sống khỏe mạnh bị mất đi do tàn tật (YLDs) [7]. Nhiều bằng chứng nghiên cứu đã chỉ ra, tình trạng đồng mắc trầm cảm kéo dài mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng trên người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm giảm mức độ tuân thủ điều trị, kéo theo với đó là giảm đáp ứng điều trị, suy giảm miễn dịch, diễn biến nhanh hơn tới giai đoạn AIDS và gia tăng tỉ lệ tử vong [8]. Ngoài ra, trầm cảm còn được báo cáo là làm gia tăng quan hệ tình dục không an toàn và cả tình trạng lạm dụng rượu bia và ma túy [9]. Các yếu tố nguy cơ của tình trạng trầm cảm trên người nhiễm HIV đã được đề cập đến ở một số bao gồm giới tính nữ, tuổi cao, thất nghiệp, thiếu hỗ trợ xã hội và cả tình trạng lạm dụng bia rượu, thuốc lá và nghiện chất. Bên cạnh đó, các yếu tố liên quan đến HIV như đáp ứng điều trị kém và kỳ thị, phân biệt đối xử cũng đóng vai trò quan trọng làm gia tăng nguy cơ trầm cảm ở người nhiễm HIV/AIDS [5]. Trong vòng vài năm trở lại đây, việc mở rộng tiêu chuẩn điều trị bất kể tình trạng CD4 và giai đoạn lâm sàng đã góp phần làm tăng mức độ bao phủ của ARV tại Việt Nam, đồng thời cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe và kéo dài thời gian sống của người bệnh; tuy nhiên, các rối loạn tâm lý và xã hội vẫn có thể ảnh hưởng cuộc sống và hoạt động của đối tượng này. Tỉ lệ trầm cảm trên các đối tượng nhiễm HIV/AIDS ước tính từ các nghiên cứu đã được thực hiện là khoảng từ 18,7% đến 36,5% [10], [11], [12]. Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện và kỳ thị, phân biệt đối xử rất phổ biến trong cộng đồng đều là những yếu tố nguy cơ làm gia tăng tình trạng trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác trên đối tượng này [5]. Bệnh viện Bạch Mai là một trong cơ sở điều trị HIV/AIDS lớn nhất cả nước với trên 1.500 người nhiễm HIV/AIDS hiện đang đăng ký theo dõi và điều trị. Việc sàng lọc và quản lý trầm cảm và các triệu chứng rối loạn tâm thần khác tại cơ sở còn khá hạn chế, mặc dù có lợi thế là bệnh viện đa khoa tuyến đầu và có đơn vị lâm sàng về sức khỏe tâm thần. Nhằm cung cấp thêm bằng chứng giúp nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc toàn diện cho đối tượng người nhiễm HIV/AIDS tại đơn vị, nghiên cứu này được tiến hành với các mục tiêu chính sau đây: MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU: 1. Xác định tỉ lệ mắc trầm cảm ở người nhiễm HIV/AIDS điều trị tại Phòng khám ngoại trú, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai năm 2019. 2. Mô tả một số yếu tố liên quan đến tình trạng mắc trầm cảm ở nhóm đối tượng trên.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/1144
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
21THS1219.pdf
  Restricted Access
1.64 MBAdobe PDFThumbnail
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.