Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/1115
Title: KẾT QUẢ PHẪU THUẬT NỘI SOI CẮT U TUYẾN THƯỢNG THẬN LÀNH TÍNH ĐƯỜNG SAU PHÚC MẠC TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
Authors: LÊ, TUẤN ANH
Advisor: PGS.TS. Đỗ, Trường Thành
Issue Date: 2019
Publisher: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Abstract: Tuyến thượng thận (TTT) là một tuyến nội tiết nhỏ nằm trên thận sau phúc mạc. Hormon của tuyến thượng thận tham gia vào các quá trình chuyển hóa quan trọng đối với hoạt động sống của cơ thể như chuyển hóa đường, điện giải và đặc biệt các catecholamine của tủy thượng thận có tác dụng điều hòa huyết áp động mạch [1]. U tuyến thượng thận là nguyên nhân gây tăng tiết bệnh lý các nội tiết tố của tuyến, dẫn đến nhiều hội chứng bệnh lý phức tạp khó có thể điều trị triệt để bằng nội khoa. Các rối loạn bệnh lý của TTT rất đa dạng phức tạp, gồm nhiều loại và có biểu hiện lâm sàng rất phong phú [2]. Năm 1886, Frankel. F đã mô tả dấu hiệu lâm sàng của một trường hợp u tủy thượng thận [3]. Năm 1912, Cushing H. thông báo hội chứng lâm sàng bệnh Cushing [4]. Năm 1954, Conn J. W. mô tả hội chứng cường aldosteron [5]. Apert (1910) và Gallais (1912) đã phát hiện u vỏ tuyến thượng thận khi mổ tử thi các bệnh nhân có dấu hiệu nam tính hóa ở nữ [6]. Điều trị ngoại khoa là một biện pháp điều trị quan trọng bệnh lý u tuyến thượng thận và trong nhiều trường hợp là điều trị duy nhất có hiệu quả. Các bệnh lý thường gặp nhất có thể giải quyết bằng phẫu thuật là bệnh Conn (cường aldosterone nguyên phát) do TTT [7], hội chứng Cushing do u TTT [4],[8], u sắc bào tủy TTT và các loại ung thư TTT [9]. Trên thế giới, điều trị u tuyến thượng thận bằng ngoại khoa đã được nhiều tác giả nghiên cứu. Năm 1926, Roux S. và Mayo C. thực hiện thành công phẫu thuật cắt bỏ u tuyến thượng thận [10]. Tuy nhiên, phẫu thuật kinh điển vẫn là một thách thức: đường tiếp cận u TTT khó, rối loạn huyết động cao trong mổ, hậu phẫu phức tạp, thời gian nằm viện kéo dài (12-16 ngày), nhất là tỷ lệ tử vong rất cao (10-20%) [11],[12], vì thế cho đến nay phẫu thuật u TTT vẫn luôn là phẫu thuật nặng nề. Năm 1992, Gagner [13] thực hiện thành công phẫu thuật cắt bỏ u TTT qua nội soi, nó đã khắc phục được những nhược điểm của phẫu thuật kinh điển, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử điều trị ngoại khoa u tuyến thượng thận. Do vị trí giải phẫu đặc biệt nên có rất nhiều đường vào TTT đã được mô tả trong phẫu thuật cắt TTT [14],[15]. Trong các đường mổ nội soi, ngày nay có hai đường vào chính tiếp cận TTT là đường vào sau phúc mạc và trong phúc mạc. Một số tác giả cho rằng đường vào trong phúc mạc là thuận tiện hơn, tuy nhiên gần đây một số nghiên cứu lại cho thấy đường vào sau phúc mạc đang dần là một lựa chọn thay thế với nhiều ưu điểm như thời gian mổ, thời gian hậu phẫu ngắn hơn, thời gian tái thiết lập đường tiêu hóa nhanh hơn [16],[17],[18]. Chọn mổ mở hay nội soi, chọn đường vào qua phúc mạc hay sau phúc mạc, là thực tế lâm sàng đặt ra cho các phẫu thuật viên trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy chúng tôi nghiên cứu đề tài “Kết quả phẫu thuật nội soi cắt u tuyến thượng thận lành tính đường sau phúc mạc tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức giai đoạn 2017-2018” với hai mục tiêu sau: 1. Nhận xét chỉ định điều trị phẫu thuật nội soi cắt u tuyến thượng thận lành tính đường sau phúc mạc tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức giai đoạn 2017-2018. 2. Đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi cắt u tuyến thượng thận lành tính đường sau phúc mạc tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức giai đoạn 2017-2018.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/1115
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
21THS1190.pdf
  Restricted Access
1.87 MBAdobe PDFThumbnail
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.