Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/1111
Title: TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN Ở BỆNH NHÂN PHẪU THUẬT UNG THƯ ĐƯỜNG TIÊU HÓA TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC NĂM 2019
Authors: NGÔ, THỊ LINH
Advisor: PGS.TS. Phạm, Văn Phú
Issue Date: 2020
Publisher: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Abstract: Suy dinh dưỡng (SDD) là vấn đề thường gặp ở những bệnh nhân nhập viện. Theo hiệp hội dinh dưỡng lâm sàng châu âu ESPEN (2006) thì tỷ lệ SDD chiếm 20-60% bệnh nhân nằm viện và có đến 30-90% bệnh nhân bị mất cân trong thời gian điều trị [1]. Với các bệnh nhân ngoại khoa, SDD có thể gặp trước khi phẫu thuật là do giảm lượng thức ăn bằng miệng hoặc từ trước có các bệnh mạn tính, các khối u, suy giảm hấp thu do tắc nghẽn đường ruột hoặc cắt bỏ ruột trước đó. Tình trạng SDD thường nặng thêm do các rối loạn hậu phẫu, stress liên quan đến phẫu thuật hay sự lo ngại về tắc ruột sau phẫu thuật và tính an toàn của miệng nối sau phẫu thuật dẫn đến tình trạng bệnh nhân không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng [2]. SDD làm gia tăng các biến chứng phẫu thuật như: nhiễm khuẩn vết mổ, xì dò miệng nối, chậm lành vết thương. Bên cạnh đó, SDD còn liên quan đến các biến chứng khác như: viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết,...Do đó, SDD làm kéo dài thời gian nằm viện và chi phí điều trị, làm giảm chất lượng sống của bệnh nhân [3] [4]. Trong những năm gần đây, ung thư là vấn đề thường hay được nhắc tới. Đối với những bệnh nhân ung thư, sụt cân và suy dinh dưỡng là những biểu hiện rất hay gặp. Hiện tượng chán ăn, suy mòn và cạn kiệt năng lượng sống đe dọa cuộc sống của bệnh nhân ung thư trên nhiều khía cạnh, làm giảm hiệu quả điều trị dẫn đến giảm cơ hội sống, giảm chất lượng cuộc sống. Một số lượng lớn các nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ SDD cao tới 31 đến 97% ở những bệnh nhân ung thư. Đặc biệt, với những bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa, tỉ lệ này thường cao hơn do có ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống tiêu hóa thức ăn, làm giảm việc hấp thu các chất dinh dưỡng dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng của người bệnh. Những bệnh nhân ung thư bị SDD có chỉ định phẫu thuật sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn, tăng tỷ lệ biến chứng, tử vong và thời gian nằm viện kéo dài [5] [6] [7] [8]. Gần đây, việc đảm bảo cung cấp dinh dưỡng thích đáng đã trở thành mối quan tâm lớn trong chăm sóc bệnh nhân trước/sau mổ. Hỗ trợ dinh dưỡng giúp cải thiện TTDD và kết quả lâm sàng ở bệnh nhân SDD. Các nghiên cứu hỗ trợ dinh dưỡng đã chứng minh có khả năng giảm tai biến biến chứng và rút ngắn thời gian cũng như chi phí nằm viện. Những bệnh nhân bị SDD nếu được nuôi dưỡng một cách thích hợp trong vòng 7-10 ngày trước mổ thì kết quả phẫu thuật có thể được cải thiện. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đánh giá được TTDD để có những can thiệp, hỗ trợ kịp thời cho bệnh nhân trước và sau phẫu thuật [9] [10]. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa đầu ngành, với hơn 1500 giường bệnh chuyên về ngoại khoa, 40 phòng mổ phục vụ cho hơn 67000 phẫu thuật mỗi năm. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, theo thống kê của Trịnh Hồng Sơn cho biết trong vòng 10 năm (từ 2005 đến 2014) có 348582 bệnh án vào điều trị nội trú, trong đó nhóm bệnh lý ung thư ghi nhận được 40867 bệnh án với 31047 ca được phẫu thuật chiếm 76%, trong đó ung thư thực quản: 1585 ca, ung thư dạ dày: 5706 ca, ung thư đại tràng: 3410 ca, ung thư trực tràng: 2403 ca [11]. Để nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị người bệnh phẫu thuật đặc biệt với đối tượng người bệnh phẫu thuật ung thư đường tiêu hóa đề tài: “Tình trạng dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan ở bệnh nhân phẫu thuật ung thư đường tiêu hóa tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức năm 2019” được tiến hành với các mục tiêu: 1. Đánh giá tình trạng dinh dưỡng ở bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa trước và sau phẫu thuật 7 ngày tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức năm 2019. 2. Mô tả một số yếu tố liên quan tới tình trạng dinh dưỡng ở bệnh nhân phẫu thuật ung thư đường tiêu hóa.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/1111
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
21THS1186.pdf
  Restricted Access
1.65 MBAdobe PDFThumbnail
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.