Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/1036
Title: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN NGOẠI TRÚ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÝP 2 TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA ĐÔNG HƯNG THÁI BÌNH NĂM 2018
Authors: NGUYỄN, THỊ HƯỜNG
Advisor: PGS.TS. Phạm, Huy Tuấn Kiệt
Issue Date: 2020
Publisher: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Abstract: Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh mạn tính không lây phổ biến, đặc trưng bởi sự tăng đường máu do hậu quả của sự thiếu hụt hoặc giảm hoạt động của insulin hoặc kết hợp cả hai. Đái tháo đường có thể dẫn đến biến chứng ở nhiều bộ phận của cơ thể và làm tăng nguy cơ tử vong sớm [1]. Những năm đầu thế kỷ 21, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã dự báo “Thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của các bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hoá, đặc biệt bệnh ĐTĐ sẽ là bệnh không lây phát triển nhanh nhất”. Bệnh không lây đang gia tăng nhanh chóng ở các nước có thu nhập cao, nhưng còn nhanh hơn ở một số nước có thu nhập trung bình và thấp [2]. Sự phổ biến toàn cầu của bệnh ĐTĐ, đặc biệt là ĐTĐ typ 2 đang trở thành mối lo ngại lớn đối với tất cả các quốc gia. Gánh nặng bệnh tật do ĐTĐ đang đè nặng lên không chỉ ngành y tế mà còn tác động đến cả nền kinh tế và toàn xã hội. Theo ước tính của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF), năm 2015 trên thế giới có hơn 415 triệu người từ 20 – 79 tuổi mắc bệnh ĐTĐ và ước tính sẽ tăng lên 642 triệu người vào năm 2040. Năm 2015, ĐTĐ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến 5 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Hàng năm, chi phí cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người ĐTĐ chiếm tới 5 – 10% tổng ngân sách y tế của mỗi quốc gia, trong đó chủ yếu cho điều trị biến chứng [3],[4]. Xu hướng bệnh tật ở Việt Nam không nằm ngoài quy luật chung của thế giới. Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển dịch dịch tễ học với gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh ĐTĐ đang có xu hướng ngày càng tăng lên [5]. Năm 1990, Tạ Văn Bình nghiên cứu tại Hà Nội cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ là 1,2% và đã tăng lên 4% vào năm 2001 [6]. Điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung Ương cho thấy sau 10 năm (2002 – 2012) tỷ lệ mắc ĐTĐ trên toàn quốc đã tăng thêm 200% từ 2,7% lên 5,42% [7]. Tại Việt Nam, phòng chống bệnh ĐTĐ đã trở thành một trong các Chương trình mục tiêu Quốc gia về Y tế. Hiện nay, rất nhiều người bệnh đã được chẩn đoán và điều trị ĐTĐ týp 2. Người bệnh đăng ký quản lý bệnh tại một cơ sở y tế phù hợp và được điều trị ngoại trú. Bệnh viện đa khoa huyện Đông Hưng – Thái Bình là một bệnh viện tuyến huyện, hàng ngày tiếp nhận khám, chữa bệnh và quản lý một lượng lớn người bệnh trong toàn huyện. Việc tổ chức thực hiện quản lý bệnh ĐTĐ góp phần làm tăng tỷ lệ bệnh nhân được tiếp cận với các phương pháp can thiệp và điều trị đúng đắn, cải thiện tình trạng sức khoẻ và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm. Nhằm không ngừng cải tiến quy trình, chất lượng khám chữa bệnh, bệnh viện đã tìm hiểu, và thực hiện nhiều nghiên cứu trong đó có nội dung về quản lý bệnh ĐTĐ týp 2. Để có cái nhìn bao quát hơn, có các bằng chứng khoa học là cơ sở tiến hành cải tiến chất lượng quản lý và điều trị bệnh nhân ngoại trú ĐTĐ týp 2 chúng tôi tiến hành thực hiện nghiên cứu: “Thực trạng quản lý và điều trị bệnh nhân ngoại trú đái tháo đường týp 2 tại bệnh viện đa khoa Đông Hưng Thái Bình năm 2018”, với các mục tiêu: 1. Mô tả thực trạng thực trạng quản lý và điều trị bệnh nhân ngoại trú đái tháo đường týp 2 tại bệnh viện đa khoa Đông Hưng Thái Bình năm 2018 2. Phân tích một số yếu tố liên quan đến quản lý và điều trị bệnh nhân ngoại trú Đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng Thái Bình năm 2018
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/1036
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
21THS1131.pdf
  Restricted Access
2.27 MBAdobe PDFThumbnail
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.