Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/1006
Title: KẾT QUẢ SỬA TOÀN BỘ TỨ CHỨNG FALLOT Ở TRẺ DƯỚI 1 TUỔI TẠI BỆNH VIỆN TIM HÀ NỘI
Authors: NGUYỄN, THẾ TOÀN
Advisor: PGS.TS. NGUYỄN, SINH HIỀN
Issue Date: 2020
Publisher: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Abstract: Tứ chứng Fallot (viết tắt là F4) là bệnh tim bẩm sinh có tím thường gặp nhất chiếm khoảng 1/3500 trẻ sơ sinh sống, 5-8% các bệnh tim bẩm sinh và 50-70% trẻ mắc bệnh TBS có tím1,2,3,4,5,6. Bệnh đặc trưng bởi 4 tổn thương chính: hẹp động mạch phổi (ĐMP), thông liên thất (TLT), động mạch chủ (ĐMC) cưỡi ngựa trên vách liên thất, phì đại thất phải. Những tiến bộ khoa học đã tạo ra cuộc cách mạng trong ngành phẫu thuật tim. Năm 1954 và 1955, lần lượt Lillehei và Kirklin công bố những thành công đầu tiên trong việc sửa triệt để F4 với những nguyên tắc cơ bản sau: mở rộng đường ra thất phải qua mở phễu thất phải, vá TLT. Đây được coi là phương pháp kinh điển và được áp dụng ở nhiều trung tâm mổ tim trên thế giới cũng như ở Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, tỷ lệ biến chứng và tử vong sau mổ F4 còn khá cao8,9,10,11,12,13,14. Để khắc phục tình trạng trên năm 1963 Hudspeth đã công bố phương pháp phẫu thuật triệt để F4 không mở thất phải (TP): vá TLT và cắt bỏ phần cơ phì đại gây hẹp đường ra TP được thực hiện qua van ba lá và van ĐMP. Kĩ thuật này đã làm cho quy trình mổ F4 trở nên hoàn thiện hơn vì đảm bảo sự toàn vẹn của tim và thực sự nó đã đem lại những kết quả kì diệu cho bệnh nhân, tỉ lệ tử vong sau mổ F4 chỉ còn rất thấp, về lâu dài cũng giảm được đáng kể các biến chứng15,. Năm 1972, tại bệnh viện nhi Boston Hoa Kỳ, Castaneda đã phẫu thuật thành công bệnh nhi F4 dưới 3 tháng tuổi có triệu chứng. Năm 1991, ông và cộng sự đã đăng tải kết quả phẫu thuật triệt để một thì 98 trường hợp F4 tuổi sơ sinh và nhũ nhi với tỉ lệ tử vong 5%. Ông cho rằng tỉ lệ này còn có thể hạ thấp hơn khi càng có nhiều kinh nghiệm tiến bộ trong kĩ thuật mổ, bảo vệ cơ tim và gây mê hồi sức16,17. Theo Kirklin, nếu không được phẫu thuật, 25 % trẻ mắc bệnh chết trong năm đầu, 40% chết lúc 3 tuổi và 70 % chết lúc 10 tuổi. Nếu được phẫu thuật triệt để, người bệnh sẽ có trái tim và cuộc sống gần như bình thường7. Như vậy nếu Bệnh nhân F4 được phẫu thuật sớm trong năm đầu có thể tránh được 25% tử vong trong năm đầu đồng thời giảm được những biến chứng nguy hiểm khác như tắc mạch não, áp xe não, viêm nội tâm mạc... Tại Việt Nam, phẫu thuật sửa toàn bộ F4 được triển khai tại nhiều trung tâm đã mang lại cuộc sống gần như bình thường cho rất nhiều bệnh nhân. Với sự tiến bộ vượt bậc trong phẫu thuật, gây mê – hồi sức và ngành tim mạch nhi khoa ở nước ta, xu hướng sửa toàn bộ sớm các bệnh tim bẩm sinh nói chung và F4 nói riêng đã làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như hạn chế các tổn thương thứ phát. Cùng với sự phát triển của y học trong nước cũng như thế giới, Bệnh viện Tim Hà Nội cũng đã phẫu thuật sửa toàn bộ F4 sớm dưới 1 tuổi nhằm giúp trẻ kịp đà phát triển tăng trưởng đặc biệt là sự phát triển của não, cơ tim, nhu mô phổi, mạch vành, giường mao mạch phổi, đồng thời làm giảm các yếu tố nguy cơ như: dầy TP, giãn TP, hở van ĐMP, hẹp ĐRTP tồn lưu, rối loạn nhịp tim sẽ góp phần nâng cao chất lượng cũng như thời gian sống sau mổ cho người bệnh … Do đó, chúng tôi tiến hành đề tài “Kết quả sửa toàn bộ tứ chứng Fallot ở trẻ dưới 1 tuổi tại Bệnh viện Tim Hà Nội ” với hai mục tiêu: 1. Nhận xét đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng ở trẻ dưới 1 tuổi được phẫu thuật sửa toàn bộ tứ chứng Fallot tại Bệnh viện Tim Hà Nội. 2. Đánh giá kết quả sớm phẫu thuật sửa toàn bộ tứ chứng Fallot ở trẻ dưới 1 tuổi tại bệnh viện Tim Hà Nội.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/1006
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
21THS0088.pdf
  Restricted Access
2.4 MBAdobe PDFThumbnail
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.